Theo quy định, sau khi vụ án được thụ lý, nếu đương sự không nộp tiền tạm ứng chi phí định giá và chi phí tố tụng khác theo quy định thì tòa án sẽ đình chỉ giải quyết vụ án và đương sự không có quyền khởi kiện lại nếu việc khởi kiện vụ án sau không có gì khác với vụ án trước về nguyên đơn, bị đơn và quan hệ tranh chấp.

Để hướng dẫn thêm về quy định này, tại mục 5 phần IV Giải đáp số 02/TAND ngày 2-8-2021, TAND Tối cao cũng đã xác định nguyên đơn không có quyền khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết tiếp vụ án như đối với trường hợp rút đơn khởi kiện.

Quy định là thế nhưng trên thực tế, việc thi hành quy định này có nhiều vướng mắc mà theo chúng tôi, chưa đảm bảo quyền khởi kiện của đương sự và chưa giải quyết triệt để các tranh chấp phát sinh.

Cần tháo gỡ vướng mắc về quyền khởi kiện lại - ảnh 1
Ảnh minh họa

Chưa quy định cụ thể về tạm ứng chi phí tố tụng

Có thể thấy tạm ứng chi phí tố tụng là căn cứ quan trọng cho tòa án xem xét việc đình chỉ giải quyết vụ án trong trường hợp này. Tuy nhiên, việc tạm ứng chi phí tố tụng lại có một số vướng mắc.

Thứ nhất, trong khi quy định về án phí đều có quy định riêng về trường hợp miễn, giảm tiền tạm ứng án phí, án phí nhưng hiện nay không có quy định về miễn, giảm chi phí tố tụng. Bởi lẽ, nếu đương sự không đóng tiền tạm ứng chi phí tố tụng thì phía tòa án cũng không có khoản tiền nào khác để tạm ứng chi trả cho hoạt động tố tụng theo yêu cầu của đương sự như định giá, xem xét thẩm định tại chỗ, giám định… và những hoạt động tố tụng khác có trả phí, từ đó không có cơ sở để giải quyết vụ án.

Thứ hai, theo các quy định tại mục 2 chương IX Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) thì khi đương sự có các yêu cầu định giá, xem xét thẩm định tại chỗ, ủy thác tư pháp, giám định…, tòa án sẽ tự tính toán số chi phí tố tụng rồi thông báo cho đương sự tạm ứng. Tuy nhiên, hiện không có quy định cụ thể cũng như căn cứ cho việc tính toán số tiền tạm ứng chi phí tố tụng cần nộp. Do vậy, việc này sẽ xảy ra trường hợp tùy tiện trong việc tính toán số tiền tạm ứng chi phí tố tụng. Nếu tòa án yêu cầu số tiền này quá cao, đương sự không có khả năng chi trả tạm ứng, bị đình chỉ giải quyết vụ án và bị tước đi quyền khởi kiện lại như đã trình bày.

Thứ ba, hiện nay chưa có quy định về thời hạn nộp tiền tạm ứng chi phí tố tụng tối thiểu. Việc tòa án yêu cầu đương sự nộp tiền trong thời gian quá ngắn sẽ gây khó khăn, trở ngại cho đương sự khi nộp tiền theo yêu cầu của tòa.

Quyền lợi của đương sự không được đảm bảo

Việc quy định đương sự không có quyền khởi kiện lại trong trường hợp không nộp tiền tạm ứng chi phí tố tụng là không thỏa đáng trong một số trường hợp, không giải quyết triệt để những tranh chấp đang tồn tại mà tòa án là cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp.

Một trong những ví dụ điển hình là các tranh chấp đất đai. Cụ thể như sau: Năm 2000, bà A có nhận chuyển nhượng từ ông B một lô đất. Trong quá trình sử dụng bà có kê khai, đăng ký. Năm 2015, bà không tiếp tục sử dụng vì lý do đi làm ăn xa. Khi trở về, bà phát hiện ông C đã chiếm đất của bà để sử dụng. Sau khi hòa giải không thành, bà A khởi kiện ra tòa yêu cầu ông C trả lại đất. Bà cũng yêu cầu tòa án xem xét, thẩm định tại chỗ và định giá tài sản. Tòa án đã thông báo cho bà A nộp tiền tạm ứng chi phí tố tụng là 15 triệu đồng. Bà không có tiền nộp do hoàn cảnh khó khăn nên tòa án đã căn cứ điểm đ khoản 1 Điều 217 BLTTDS để đình chỉ giải quyết vụ án.

Vấn đề pháp lý đặt ra là rõ ràng trong trường hợp này, bà A không có quyền khởi kiện lại để yêu cầu giải quyết tranh chấp, vậy thì lô đất tranh chấp sẽ thuộc quyền sử dụng của ai? Có phải khi mất quyền khởi kiện thì đồng thời bà A cũng mất quyền sử dụng đối với lô đất này?

Còn những tranh chấp đất đai khác nữa trên thực tế rất phức tạp, nếu áp dụng quy định về việc không có quyền khởi kiện lại thì quyền lợi của đương sự không được đảm bảo.

Một ví dụ khác có hậu quả pháp lý tương tự là tranh chấp về chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân hoặc chia tài sản thuộc sở hữu chung. Nếu áp dụng quy định nguyên đơn không được quyền khởi kiện lại khi đình chỉ giải quyết vụ án do không nộp tiền tạm ứng chi phí tố tụng là chưa được hợp lý vì ảnh hưởng đến quyền sở hữu, sử dụng của đương sự. Nếu tòa án không giải quyết các tranh chấp này thì cơ quan nào sẽ giải quyết tranh chấp?

 

Một số kiến nghị

Từ những phân tích nêu trên, tôi xin đưa ra một số kiến nghị. Thứ nhất, cần có những quy định cụ thể, rõ ràng về cách tính tiền tạm ứng chi phí tố tụng, danh mục các khoản tạm ứng, định mức tạm ứng để tránh sự tùy tiện trong việc tính toán tiền tạm ứng chi phí tố tụng.

Thứ hai, cần có quy định về thời gian hợp lý tối thiểu mà tòa án ấn định đương sự phải nộp tiền tạm ứng chi phí tố tụng để đương sự có thời gian chuẩn bị.

Thứ ba, nên quy định tòa án có một khoản quỹ dự phòng để thanh toán chi phí tố tụng trong trường hợp đương sự có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, thuộc diện hộ nghèo hoặc cận nghèo, người già, người có công với cách mạng…

Thứ tư, trong các trường hợp không được quyền khởi kiện lại khi đình chỉ giải quyết vụ án theo điểm đ khoản 1 Điều 217 BLTTDS nên loại trừ tranh chấp đất đai, tranh chấp quyền sở hữu, chia tài sản chung, chia thừa kế… để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự.

Trên đây là một số ý kiến trao đổi của cá nhân tôi trong quá trình giải quyết các tranh chấp dân sự. Hy vọng TAND Tối cao sớm có hướng dẫn cụ thể để việc áp dụng pháp luật được thống nhất.

 

Đình chỉ giải quyết vụ án nếu không nộp tạm ứng chi phí tố tụng

Tại điểm đ khoản 1 Điều 217 BLTTDS quy định về một trong các căn cứ tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án như sau:

Sau khi thụ lý vụ án thuộc thẩm quyền của mình, tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự trong các trường hợp sau đây: (...) Nguyên đơn không nộp tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản và chi phí tố tụng khác theo quy định của bộ luật này.

Trường hợp bị đơn có yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập không nộp tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản và chi phí tố tụng khác theo quy định của bộ luật này thì tòa án đình chỉ việc giải quyết yêu cầu phản tố của bị đơn, yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan…

Về quyền khởi kiện lại khi đình chỉ giải quyết vụ án trong trường hợp này tại khoản 1 Điều 218 BLTTDS quy định như sau:

Khi có quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, đương sự không có quyền khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết lại vụ án dân sự đó, nếu việc khởi kiện vụ án sau không có gì khác với vụ án trước về nguyên đơn, bị đơn và quan hệ pháp luật có tranh chấp, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 192, điểm c khoản 1 Điều 217 của bộ luật này và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.