Với những diễn biến vô cùng phức tạp của dịch bệnh COVID-19, TP.HCM đã kéo dài đợt giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng đến ngày 1-8, đồng thời bổ sung một số biện pháp mạnh hơn nữa để phòng chống dịch.

TP Hà Nội và hơn 20 tỉnh, thành trên cả nước cũng đang áp dụng việc giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

Điều đáng tiếc là trong khi chính quyền và nhân dân cả nước căng mình chống dịch thì tình trạng vi phạm quy định về phòng chống dịch vẫn liên tiếp xảy ra.

Đủ kiểu vi phạm

Cụ thể, bất chấp lệnh cấm tụ tập đông người do tỉnh Kiên Giang đang áp dụng Chỉ thị 16 và bất chấp cả luật pháp, rạng sáng 23-7, tại một khu đất trống thuộc địa bàn phường Vĩnh Quang (TP Rạch Giá), rất đông người tụ tập đánh bạc bằng hình thức lắc tài xỉu. 

Xử nghiêm hơn nữa các vi phạm về phòng chống dịch - ảnh 1
UBND phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM xử phạt người dân tập thể dục nơi công cộng trong ngày đầu tiên TP áp dụng Chỉ thị 16. Ảnh: NGUYỆT NHI

Công an tỉnh Kiên Giang đã bắt được 27 người đánh bạc (cùng một số người trốn thoát), thu giữ 150 triệu đồng cùng nhiều tang vật khác.

Còn tại tỉnh Hưng Yên, mới đây Công an huyện Yên Mỹ phát hiện và lập hồ sơ xử lý 38 người (19 nam và 19 nữ) tụ tập hát karaoke tại một cơ sở kinh doanh dịch vụ này ở xã Liêu Xá, bất chấp các lệnh cấm trước đó của tỉnh.

Trong khi đó, ngày 22-7, Cơ quan CSĐT Công an huyện An Nhơn (Bình Định) đã khởi tố vụ án làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, xảy ra tại phường Đập Đá.

Lý do bởi một tài xế ngụ phường này bị mắc COVID-19, không khai báo y tế theo đúng quy định, đã về nhà thăm vợ con và làm một số người nhiễm bệnh.

Còn tại TP.HCM, vụ nam tiếp viên hàng không của Vietnam Airlines nhận án hai năm tù (nhưng được hưởng án treo) vì làm lây lan dịch bệnh và vụ án làm lây lan dịch bệnh liên quan đến điểm nhóm truyền giáo hội thánh Phục hưng vẫn là những bài học còn nóng hổi.

Rất nhiều vụ việc bị xử lý hành chính, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự do có các hành vi vi phạm liên quan đến công tác phòng chống dịch COVID-19 như: Không đeo khẩu trang, không tuân thủ 5K, ra ngoài khi không cần thiết, khai báo y tế gian dối, tung tin giả, gom hàng đầu cơ…

Tuy nhiên, các vi phạm này vẫn còn khá phổ biến, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác phòng chống dịch COVID-19.

Nguy cơ “sụp đổ” thành quả phòng chống dịch

ThS Lê Hoài Nam, giảng viên Khoa luật, Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM, nhận định: Đây là các hành vi gây nguy hiểm cho xã hội và có thể làm sụp đổ các thành quả phòng chống dịch của nhân dân và chính quyền.

Từ những hành vi tưởng chừng bình thường như không trung thực khai báo y tế, tụ tập đông người “chém gió”, tập thể dục nơi công cộng… cho đến những hành vi nghiêm trọng như tụ tập đánh bài, ăn nhậu, chứa chấp người nhập cảnh “chui”, tung tin giả, gom hàng đầu cơ… đều tiềm ẩn nguy cơ cao làm lây lan dịch bệnh cho cộng đồng trên diện rộng.

Đối với các vi phạm nêu trên, tùy theo tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi, người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo Nghị định 117/2020, các hành vi như che giấu hoặc không khai báo kịp thời tình trạng của bản thân hoặc của người mắc COVID-19 sẽ bị phạt 10-20 triệu đồng; hành vi tụ tập đông người tại những vùng đã ban bố tình trạng khẩn cấp COVID-19 sẽ bị phạt 10-20 triệu đồng; hành vi chứa chấp người nhập cảnh “chui” sẽ bị phạt 15-25 triệu đồng (các mức phạt này áp dụng đối với cá nhân, tổ chức mức phạt gấp đôi).

“Nghiêm trọng hơn, nếu các hành vi vi phạm trên làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng thì có thể bị xử lý hình sự về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, theo điểm c khoản 1 Điều 240 BLHS 2015 với mức phạt 1-5 năm tù.

Trong trường hợp người vi phạm không mắc COVID-19 nhưng sống trong khu vực đã có quyết định cách ly, phong tỏa nhưng lại trốn khỏi các khu vực này hoặc không tuân thủ quy định cách ly, nếu gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên (do phát sinh chi phí phòng chống dịch bệnh) thì có thể bị xem xét xử lý về tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người (Điều 295 BLHS), với mức phạt 1-5 năm tù (theo hướng dẫn tại Công văn 45 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao)” - ThS Hoài Nam nói.

Ngoài ra, đối với các hành vi vi phạm như tụ tập đánh bài hoặc chứa chấp người nhập cảnh “chui” còn có thể bị xử lý thêm các tội đánh bạc hoặc tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép.

Toàn dân đồng lòng, dập dịch chỉ là vấn đề thời gian

Nhiều địa phương vẫn chưa thực hiện nghiêm Chỉ thị 16, gây khó khăn cho công tác phòng chống dịch. Các cấp chính quyền nên đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát, xử phạt “mạnh tay” các hành vi vi phạm để răn đe, tuyên truyền cho người dân.

Khi người dân đã tuyệt đối chấp hành các quy định về phòng chống dịch, vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước thì việc dập dịch chỉ là vấn đề thời gian.

ThS LÊ HOÀI NAM, giảng viên Khoa luật, Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM